Phố cổ Đồng Văn cách Tp Hà Giang 160 cây số, thuộc thị trấn Đồng Văn, trên cao nguyễn đá ở độ cao từ 1000 - 1600m. Đây là một khu phố và chợ cổ nổi tiếng với niên đại trăm năm tuổi, toát lên vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, đã thu hút biết bao khách du lịch Hà Giang, thôi thúc họ tới đây khám phá và tìm hiểu.
Tọa lạc ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn nhỏ bé, giữa bốn bề núi đá bao quanh, nơi đây chỉ có vẻn vẹn 40 nóc nhà nối tiếp nhau dưới núi đá cũng làm nó trở nên náo nhiệt và đông vui. Trong ánh nắng vàng suộm giăng mắc khắp không gian, là một màu xám của những ngôi nhà cổ, mang đến vẻ đẹp rất riêng. Được thành lập từ đầu thế kỷ 20, lúc đầu chỉ có vài hộ người Mông, Tày, Hoa cư trú nhưng về sau, nơi đây có thêm nhiều cư dân khác tìm đến.
Đa phần các ngôi nhà ở đây đều theo kiến trúc nhà hai tầng trình tường phổ biến, lợp ngói âm dương, có đèn lồng treo cao trước cửa nhà còn của người Hoa. Và chợ Đồng Văn được xây dựng bằng đá vào thời kỳ người Pháp xâm chiếm.
Tham quan nơi đây, du khách vừa được xem những chiếc đèn lồng được treo lơ lửng trên khắp các tuyến phố, vừa được chiêm ngưỡng những phiên chợ vùng cao độc đáo với những tiếng kèn, điệu nhạc và sản vật tiêu biểu của vùng cao nguyên đá. Người ta vẫn thường nói chợ là nơi biểu hiện nếp sống của một cộng đồng làng xã. Nên đến đây, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về lối sống, nếp sinh hoạt của những đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa hết, vào những đêm cuối tuần không khí trong các quán chợ náo nhiệt, tưng bừng hơn hẳn bằng tiếng hát câu hò của những uyên ương, trao cho nhau những điệu múa, câu hò giao duyên bên ánh lửa bập bùng của phiên chợ tình vùng cao.
Từ trên cao, sẽ thấy bên ba dãy chợ được xếp thành hình chữ U lợp ngói là hai dãy phố cổ chạy vào chân núi. Trong đó có khu dân cư của người Tày và hàng chục ngôi nhà cũ dựng bởi những người thợ ở Tứ Xuyên sang làm thuê, đây là một phần quan trọng của phố cổ Đồng Văn.
Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức "Đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng, do đó, nếu đến đây vào những dịp này bạn sẽ thấy trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ, với hàng loạt các hoạt động đậm đà bản sắc dân tộc như trưng bày thổ cẩm, trình diễn và bày bán các món ăn truyền thống như những người Hội An.