Hoàng Su Phì là huyện vùng cao ở phía Tây của tỉnh Hà Giang. Trước đây, nơi này vốn thuộc châu Bình Nguyên xứ Tuyên Quang. Ngày 1/1/1906 mới thành lập huyện Hoàng Su Phì, trong đó gồm 2 tổng Tụ Nhân và tổng Xín Mần thuộc tiểu quân khu Hà Giang (tức tỉnh Hà Giang ngày nay). Khi đất nước giành được chủ quyền, địa giới của Hoàng Su Phì cũng được thay đổi. Năm 1965, huyện được phân thành 2 huyện Xín Mần và Hoàng Xu Phì. Ngày nay, Hoàng Su Phì có 24 xã và 1 thị trấn, trong đó có 4 xã biên giới với tổng chiều dài đường biên lên tới hơn 40km.
Tọa lạc trên thượng nguồn Sông Chảy nên địa hình của Hoàng Su Phì phần lớn là đồi núi có độ dốc lớn và bị tách ra bởi nhiều con suối. Đây là nơi sinh sống của đồng bào 12 dân tộc, trong đó đa phần là người Nùng, Dao, Tày, Mông, La Chí hằng mấy mươi thế kỷ qua. Nơi đây còn được biết đến là nằm trên cung đường giao kết các vùng phía Đông và Tây Bắc, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng các nét văn hóa đặc sắc được đồng bào người dân ở đây gìn giữ nên du lịch Hoàng Su Phì đang khá phát triển hiện nay, đặc biệt là du lịch sinh thái cộng đồng.
Tới Hoàng Su Phì, bước qua cổng trời Km17 tuyến đường Bắc Quang – Hoàng Su Phì, ngay lập tức bạn sẽ phải choáng ngợp với không gian rộng lớn cùng với những ngọn núi nhấp nhô của dãy Tây Côn Lĩnh e ấp trong sương, những cánh rừng nguyên sinh đan cài giữa những nhánh sông suối đầu nguồn sông Chảy và sông Bạc, nương chè san tuyết cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang rộng lớn, trải dài trên các sườn đồi xanh mượt.
Nếu đến đúng dịp, du khách còn được tham dự những lễ thức hết sức thần kỳ và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây như Lễ hội Quyã Hiéng (lễ hội Qua Năm), lễ gọi hồn lúa, lễ nhảy bói của dân tộc Dao, lễ cúng Thần rừng của dân tộc Nùng, tết Khu cù tê của dân tộc La Chí, Hội Gầu tào của dân tộc Mông.