Nổi bật giữa một cao nguyên đá là Dinh thự họ Vương, công trình kiến trúc được thiết kế và xây dựng rất kỳ công với nhiều hoa văn mới lạ. Chuyện kể rằng Dinh thự họ Vương có từ cách đây gần một thế kỷ, đứng trên một gò đất ở thung lũng, đối diện là ngọn núi có hình mâm xôi, bao quanh là các rặng núi cao, dễ dàng cho sinh sống và phòng thủ. Dinh thự họ Vương là sự kết hợp hài hòa 3 phong cách kiến trúc của Pháp, Trung Quốc và H’mông. Với diện tích 3.000 m2 , được xây dựng vào năm 1919 và hoàn thành năm 1928, dinh thự này tiêu tốn hết 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương (tương ứng với 150 tỷ đồng ngày nay).
Vào thời điểm đó, dòng họ Vương dường như đứng đầu toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn, trong dòng họ đó phải kể đến Vương Chí Sinh, con trai Vương Chính Đức -một con người đã đi vào huyền thoại. Để thể hiện uy quyền của mình, Vương Chính Đức đã sang tận Trung Quốc tìm thầy phong thủy chọn đất, dinh thự do một người thợ gốc Nam Định sáng tạo nên. Dinh thự họ Vương có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, phân thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh với 64 buồng được xây thành hai tầng tường làm bằng đá xanh, ngói được làm từ chất liệu đất nung, mái vách bằng gỗ thông. Đã rất lâu kể từ khi dinh thự được hoàn thành, nhưng kiến trúc dinh thự vẫn làm cho du khách mê mẩn với con đường dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có trang trí nhiều hoa văn, mái nhà cong, uốn lượn, cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, được khắc tạc tinh tế nhiều hoa văn.
Là điểm tham quan thú vị, Dinh thự họ Vương trước đây là nơi bàn chính sự, sinh hoạt gia đình, nghỉ ngơi, canh gác. Bên trong có các kho chứa (thuốc phiện, lương thực, vũ khí…), các buồng nghỉ, nhà bếp, tháp canh. Ngoài nhà chính là nơi chăn nuôi, nơi ở của người hầu, kẻ hạ và binh lính. Các bức tường bảo vệ bao quanh ngôi nhà làm bằng đá có lỗ châu mai.
Dù đã có nhiều thay đổi, trước toàn bộ gỗ trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá, giờ đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến, nhưng Dinh thự họ Vương vẫn có sức hút riêng của nó. Ngày 23 tháng 7 năm 1993, nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia.