Những di tích tảng đá lớn này được đặt giữa dãy núi Tây Ðản và dãy núi đồi Nấm Dẩn, gần với con suối Nậm Khoòng. Nhiều tảng đá trầm tích lớn được đặt dọc bờ suối với nhiều hình dạng độc đáo. Có tảng đá có hình dạng như một bàn cờ phẳng, có tảng lại như tấm phản nằm hay một chiếc ghế ngồi. Những tảng đá này có bề mặt và các rìa cạnh đều được giữ nguyên trạng phong hóa tự nhiên.
Người dân địa phương trong vùng đặt tên cho khu vực này là Nà Lai (ruộng nhiều chữ) do trên vài tảng đá có khắc hình, chữ. Các hình vẽ trên đá rất phong phú, tạo nên vẻ đẹp độc lạ trong lối tạo hình của nghệ thuật cổ. Bên cạnh hơn 80 hình khắc vẽ, bề mặt tảng đá còn xuất hiện chừng 80 lỗ vũm, được khoét với đường kính trung bình 5 - 6cm, sâu 1 – 2cm, các vũm nằm phần lớn ở đầu phía tây của tảng đá. Mỗi tảng đá lại hàm chứa một điều bí ẩn, gắn với những câu chuyện mang màu sắc tín ngưỡng, cho thấy sự linh thiêng cầu ứng các đấng thần linh của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng.
Ngày nay, tại Việt Nam, những vết tích nghệ thuật tạo hình thời tiền sử còn tìm thấy không nhiều. Theo những người nghiên cứu, di tích cự thạch Nấm Dẩn có tuổi đời khoảng 2000 năm về trước. Có lẽ đây là di tích mộ của thủ lĩnh cộng đồng hoặc là khu đất thiêng, thờ cúng thần linh, tổ tiên và các nhân vật lỗi lạc của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, di tích cự thạch Nấm Dẩn còn có thể có mối quan hệ vồi tục thờ thần đá của các người tiền sử.
Như vậy, Bãi đá cổ Nấm Dẩn mang giá trị độc đáo về cả văn hoá lẫn lịch sử, tín ngưỡng và giá trị nghiên cứu khoa học cao. Tại đây sở hữu tiềm năng du lịch rất lớn và là một điểm đến rất hấp dẫn cho du khách. Sắp tới, dự kiến sẽ có nhiều hãng lữ hành sẽ đưa di tích này trở thành điểm đến quan trọng trong chương trình du lịch đi bộ, thăm các bản làng ở Hà Giang.