Chùa Sùng Khánh còn được biết đến với tên gọi là chùa làng Nùng thuộc thôn Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Trước đây, ngôi chùa là công trình thờ Phật quý hiếm từ đời nhà Trần trên miền Thượng du, được làm bằng gỗ, mái lợp lá nhưng bị đổ nát và ngôi chùa ngày nay du khách tham quan nhìn thấy chính là được người dân nơi đây tạo dựng lại từ năm 1989 với kiến trúc rất giản dị, không cầu kỳ, và được xây theo hình chữ Nhất. Ngôi chùa có một gian chánh điện rộng 26m2, cao 4.3m với một cửa chính và hai cửa phụ ở hai bên, vách gạch, lợp ngói, bao quanh là tường.
Ở khu vực cửa chính đi vào, bạn sẽ bắt gặp một hình tượng Phật có bệ để đặt một số đồ thờ. Trên bệ thờ là một bức tranh hình Phật bà Quan Âm thay cho tượng Phật và tấm bia đá ở bên trái bệ thờ được xem là di sản quý giá nhất của ngôi chùa này, là nơi ghi ơn những người đã có công tạo nên ngôi chùa, điển hình như ông Nguyễn Ân là chú của một tù trưởng miền núi đã góp phần rất lớn trong việc trùng tu ngôi chùa, và dựng bia công đức vào tháng Giêng năm Bính Thân niên hiệu Thiệu Phong (1356). Bia cao 0.90m, rộng 0.50m, trên bia có có lưỡng long chầu Phật Bà Quan Âm, văn bia do Phụng Độc Học sinh, Thứ sử trực thư Tạ Thúc Ngao soạn vào tháng 3 năm 1367.
Có một quả chuông đúc vào năm trùng tu chùa, thời hậu Lê (1705) được treo bên phải của bệ thờ. Chuông ở chùa Sùng Khánh cao 0.90m, đường kính miệng chuông được chạm trổ nhiều hoa văn tinh tế, tuyệt đẹp. Mỗi năm, đến ngày 3 và 4 tết, những người dân sống trong vùng xung quanh lại đổ về đây để tụ hội vui xuân, tổ chức các trò chơi mang bản sắc dân tộc cổ truyền của bản làng như: ném còn, kéo co, và một số trò chơi thể thao hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền. Du lịch Hà Giang, bạn đừng bỏ qua điểm du lịch tâm linh độc đáo nàu nhé!