Xuất phát từ trung tâm huyện lỵ Xín Mần - thị trấn Cốc Pài, du khách cần vượt qua 17 km, chinh phục những con đèo hiểm trở, cheo leo mới đến được thác Táng Tinh.

Qua xã Nà Chì, vượt Đèo Gió bạn sẽ nhìn thấy một vùng rừng nguyên sinh kéo dài từ xã Quảng Nguyên qua xã Chế Là, về xã Nấm Dẩn tiếp giáp tận huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Rừng nguyên sinh Đèo Gió có vùng lõi rộng trên 800 ha sở hữu nhiều tầng sinh học đa dạng với rất nhiều thực vật rừng quý hiếm được bảo tồn như: Gỗ sến, có cây ngàn năm tuổi, dổi, đinh, táu mật, cùng hàng trăm loài phong lan rừng, thảo mộc, thảo quả, nấm các loại. Theo nghiên cứu và khám phá động thực vật Đèo Gió, các nhà khoa học đã xác định: Đèo Gió chính là biểu tượng của rừng nhiệt đới gió mùa còn lại khá nguyên vẹn, sở hữu nhiều giống gien quý cần bảo tồn vì lợi ích con người trước mắt và lâu dài. Thác Táng Tinh nằm trong khu vực rừng Đèo Gió, đổ xuống từ độ cao 70 mét xuống, hình thành nên một không gian tuyệt đẹp như xứ sở cổ tích giữa rừng đại ngày. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận quần thể rừng Đèo Gió và thác Táng Tinh là Di sản Thiên nhiên cấp quốc gia.

Thác Táng Tinh còn được biết đến với cái tên là thác Tiên hay thác Gió vì dưới chân thác bất cứ thời điểm nào cũng có gió thổi rất mạnh, đưa làn hơi nước mỏng nhẹ bay lấp lửng trong không gian. Từ xa nhìn lại, Táng Tinh có hai dòng chảy nên được gọi là thác Đôi, mặt khác tên gọi này cũng để nhắc nhở và khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của người con gái bản Mường và người con trai Thần Núi sau khi chết theo truyền truyết kể lại. Người dân nơi đây kể rằng, thác Táng Tinh có từ rất lâu về trướ, khi con người có thể trò chuyện, giao tiếp được với muôn thú và sống hòa hợp với nhau giữa núi rừng này. Khi ấy, cả người già, người trẻ trong làng đều biết câu chuyện về nàng con gái xinh đẹp của làng và con trai Thần Núi. Nàng vì biết được bí mật của Thần Nước nên phải chịu tội nếu không thì nước sẽ cuốn trôi cả buôn làng, muôn thú. Cách duy nhất để xóa tội là nàng phải làm vợ con trai Thần Núi. Nhưng nàng là người còn chàng là rắn. Người, rắn không thể lấy nhau. Và nàng đành nhờ dân làng chăm sóc mẹ già rồi lên rừng trầm mình xuống hồ chịu tội với thần linh. Nàng chìm dần trong làn nước xanh. Mái tóc bồng bềnh trong nước rồi vươn lên bờ đá, rớt xuống bên dưới tạo thành dòng thác ngày đêm tuôn chảy, đưa nước về bản làng cho người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Chim muông biết chuyện bèn vội báo tin cho chàng hay. Khi chàng đến nơi thì nàng đã chìm sâu trong nước. Chàng đau khổ quay về rồi ngất lịm trên đường...

Hậu thế vẫn nhớ ơn sự hy sinh cao cả của người con gái đẹp đem lại sự sống cho dân làng nên gọi thác là Táng Tinh. Từ đó đến nay, con thác vẫn ngày đêm luân chảy giữa rừng già tạo nên một kiệc tác thiên nhiên mỹ lệ. Ngày lễ, trai thanh gái lịch đến đây vui đùa, tắm mát và cầu nguyện được hạnh phúc mãi mãi bên nhau. Từ độ cao chừng 70 m, thác nước đổ ào ào như mái tóc của người thiếu nữ. Nơi đây cách mực nước biển gần 1.500 m, gió len lỏi qua rừng, qua rẫy thổi thốc lên tung nước tạo thành những hạt li ti bay như làn khói. Tại chân thác, nước chảy cuồn cuộn nhưng mặt hồ chỉ nhìn thấy những gợn sóng nhỏ lăn tăn.

Giống với độ cao với thác Đam Bri (Lâm Đồng) nhưng thác Táng Tinh không dữ dội mà êm đềm, duyên dáng hư người con gái Mường trong truyền thuyết. Nước suối dưới chân thác yên bình và trong vắt suốt bốn mùa, trong tưởng như nhìn thấu tận đáy. Suối nông nên bạn có thể ùa xuống chơi đùa, chụp ảnh nhưng nước rất lạnh nên chỉ chơi một lúc là phải lên ngay. Một cây cầu duyên dáng được xây vắt qua suối, bạn có thể men theo lối đi xi-măng có tay vịn để khám phá một vòng suối và ngắm nhìn vẻ đẹp nguyên sơ nơi rừng già. Vào những ngày nghỉ, người dân nơi đây thường rủ nhau đến dã ngoạn giữa khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và không gian trong lành để thư thái đầu óc, vơi đi những lo toan, phiền muộn.

Từ thác Táng Tinh xuôi dốc chừng 6 km nữa là đến Bãi đá cổ nơi người Việt cổ sinh sống có tuổi đời trên 2.000 năm tuổi thuộc địa bàn thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn. Bãi đá cổ chia thành 7- 9 vùng quần thể bãi đá được phát hiện trong vùng có vết tích người Việt cổ. Vùng Bãi đá lớn nhất, trên phiến đá lớn nhất, có các họa văn, hình họa mang tính phồn thực mang dấu ấn một thời xã hội Cổ đại mẫu hệ. Qua mấy nghìn năm, đến nay Bãi đá cổ còn rất tiềm ẩn nhiều huyền bí chưa được giải đáp. Các nhà khảo cổ học cho rằng người Việt cổ trải qua thời kỳ mẫu hệ cư trú tại đây, nhưng phát triển như thế nào vẫn là một bí ẩn. Tại đây, bạn sẽ được tiếp xúc trực tiếp và chạm tay lên dấu ấn của ngàn năm... Cùng với quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn, thác Táng Tinh đang trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách để khám phá về lịch sử vùng đất địa đầu của Tổ quốc.

Featured news
  • Dinh thự họ Vương
    Dinh thự họ Vương
    Khu dinh thự họ Vương nằm tại một thung lũng của xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang, là một trong những điểm đến hấp dẫn khi du lịch Hà Giang
  • Kinh nghiệm du lịch hà giang
  • Hà Giang Có Thực Sự Cuốn Hút Bạn?
    Hà Giang Có Thực Sự Cuốn Hút Bạn?
    Được du khách ưu ái gọi với cái tên miền đất hứa, Hà Giang là điểm đến thu hút giới trẻ và nhắc tới nhiều nhất trong những chuyến đi thanh xuân của họ. Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, vẻ đẹp hài hòa giữa mây trời sông nước, giữa núi đã với miền hoa, giữa những truyền thống văn hóa đặc sắc với tình người nồng thắm, tất cả hòa quện tạo thành một bản nhạc hòa ca tuyệt vời hiếm có. Thế nhưng liệu Hà Giang có đẹp, có nên thơ, có thực sự đáng để đến như những gì người ta thường nói?
  • Có Một Hà Giang Mê Đắm Lay Động Lòng Người
    Có Một Hà Giang Mê Đắm Lay Động Lòng Người
    Hà Giang – mảnh đất địa đầu nơi biên cương cực bắc của Tổ quốc, mảnh đất mang trong mình không chỉ sự hoang dã hùng vĩ nơi núi đồi mà còn là điểm du lịch nổi tiếng của miền bắc Việt Nam. Nhắc tới Hà Giang người ta thường nhớ tới cung đường đèo bất tận, nhớ tới những khung cảnh hoang sơ đẹp mê đắm và xao xuyến lòng người.
Copyright chothuexedulichhanoi.info
Top